Tại Hội nghị chiến lược phát triển giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 14/6/2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã khẳng định vai trò tiên phong trong mô hình hợp tác “3 Nhà” giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp. Bài tham luận của PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn trong kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số.
Bứt phá trong mô hình hợp tác “3 nhà”
Trong phần phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định, trọng tâm của Hội nghị lần này là triển khai đồng bộ bốn đề án chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các đề án bao gồm: Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao từ nay đến năm 2035, định hướng đến 2045; Kế hoạch xây dựng hệ thống trung tâm đào tạo tài năng và xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ 4.0 đến năm 2030; và Đề án phát triển nhân lực cho ngành điện hạt nhân đến năm 2035.
Thứ trưởng nhấn mạnh rằng mô hình liên kết ba bên – giữa Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp – đóng vai trò then chốt trong việc phát huy tổng lực hệ sinh thái giáo dục – khoa học – công nghệ. Mô hình này không chỉ tạo cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà còn đảm bảo sự liên thông giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học – công nghệ và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Đây chính là con đường để khoa học đi vào sản xuất, đổi mới sáng tạo bước ra thị trường và tri thức trở thành động lực phát triển”, Thứ trưởng khẳng định. Ông cũng chỉ rõ rằng, hợp tác “3 nhà” là nền tảng để Việt Nam kiến tạo các trung tâm đổi mới sáng tạo liên ngành, hình thành các cụm liên kết học thuật – công nghiệp, từ đó xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở cấp quốc gia.
Hướng tiếp cận này phù hợp với định hướng của Nghị quyết 57, đồng thời cụ thể hóa các nội dung hành động được nêu trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 59 – những văn kiện quan trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân theo hướng đổi mới sáng tạo, chủ động hội nhập và phát triển toàn diện. Thông qua đó, mô hình “3 nhà” từng bước kiến tạo chuỗi giá trị đổi mới sáng tạo khép kín, từ ý tưởng – nghiên cứu – thử nghiệm – thương mại hóa.
Cách tiếp cận này giúp rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa lý thuyết và ứng dụng; đồng thời tạo môi trường để doanh nghiệp chuyển hóa tri thức thành sản phẩm, các trường đại học đổi mới vai trò và phương pháp đào tạo, và Nhà nước chuyển đổi từ cơ chế quản lý sang vai trò kiến tạo và đồng hành.
Mô hình “3 Nhà” được kỳ vọng kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia
PTIT xây dựng các mô hình hợp tác thực chất và bền vững
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện chia sẻ những mô hình cụ thể mà Học viện đã và đang áp dụng thành công:
- Trong đào tạo: PTIT đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp để xây dựng chương trình học theo định hướng nghề nghiệp. Các chương trình như: Kỹ sư Công nghệ Thông tin hợp tác cùng Rikkeisoft, hay chương trình Công nghệ Thông tin định hướng ứng dụng cùng VMO, đều giúp sinh viên làm quen sớm với yêu cầu thực tiễn. Mỗi ngành đào tạo hiện có trung bình từ 7-10 doanh nghiệp đồng hành, trực tiếp đánh giá sinh viên trong thực tập.
- Trong kiểm định kỹ năng: Học viện tích hợp các chứng chỉ uy tín như CISCO, ARM, GOOGLE, AMAZON, NVIDIA… vào chương trình học. Tính đến nay, hơn 5.000 sinh viên đã đạt chứng chỉ chuyên môn, trong đó nhiều chứng chỉ được tài trợ bởi các tập đoàn như Samsung.
- Trong đổi mới mô hình giảng dạy: PTIT đề xuất cơ chế linh hoạt cho phép doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào đào tạo, từ việc công nhận tín chỉ nội bộ, đến việc đồng tổ chức lớp học, trả thù lao cho giảng viên doanh nghiệp, và nhận các ưu đãi thuế khi doanh nghiệp phối hợp R&D cùng nhà trường.
Doanh nghiệp tham gia giảng dạy và R&D cùng Học viện
Khơi nguồn nghiên cứu và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngoài đào tạo, PTIT đề xuất các chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng:
- Nhà nước giữ vai trò định hướng chiến lược và cấp vốn ban đầu cho các dự án hợp tác trường – doanh nghiệp (30 – 50% kinh phí).
- Doanh nghiệp đặt hàng đề tài nghiên cứu, đồng thời cùng trường thúc đẩy quá trình thương mại hóa kết quả.
- Nhà trường đóng vai trò trung gian, tổ chức triển khai, kết nối sinh viên – giảng viên – nhà đầu tư.
Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, PTIT cho rằng cần phát triển các trung tâm sáng tạo ngay trong trường đại học, nơi sinh viên có thể khởi nghiệp, tiếp cận quỹ đầu tư, kết nối với mentor và doanh nghiệp để phát triển sản phẩm thực tế – từ đó hình thành các doanh nghiệp “con” trong lòng đại học.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại PTIT: nghiên cứu – khởi nghiệp – thương mại hóa
Mở rộng mô hình “3 Nhà” ra quốc tế – Cơ hội chuyển giao tri thức toàn cầu
PGS.TS Đặng Hoài Bắc cũng nhấn mạnh: Mô hình “3 Nhà” không nên chỉ khép kín trong phạm vi nội địa. Việc liên kết với các trường đại học và doanh nghiệp quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội chuyển giao công nghệ, đồng thời nâng tầm giáo dục Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Giải pháp được đề xuất bao gồm:
- Hợp tác liên doanh giữa trường đại học Việt Nam và trường quốc tế để thành lập trường đại học mới tại Việt Nam.
- Tăng cường chính sách khuyến khích doanh nghiệp và trường quốc tế đồng hành trong giảng dạy, nghiên cứu, và khởi nghiệp tại Việt Nam.
Mở rộng hợp tác quốc tế là bước đi chiến lược trong mô hình “3 Nhà”
Mô hình hợp tác “3 Nhà” không chỉ là chiến lược của riêng PTIT, mà còn là hướng đi tất yếu của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh mới. Với tầm nhìn dài hạn và các giải pháp cụ thể, PTIT đang chứng minh vai trò tiên phong trong đổi mới giáo dục – nghiên cứu – đổi mới sáng tạo, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn lên của dân tộc trong kỷ nguyên số.